Tuesday, May 31, 2011

TS Tạ Xuân Tề: Tư duy giáo dục mới


 Xu thế cạnh tranh trong tuyển sinh để có đầu vào đạt cả về số lượng và chất lượng đã buộc các trường đại học phải thay đổi tư duy giáo dục, bỏ lối tư duy cũ thay bằng tư duy giáo dục mới: Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, hướng theo sự phát triển ngành nghề chung của đất nước.

Ts Tạ Xuân Tề (áo trắng)
Bám sát tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương để đón đầu, chủ động trong công tác đào tạo. Một trong số không nhiều trường đại học đã thực hiện đổi mới thành công theo tư duy giáo dục mới này phải kể đến Trường Đại học Công Nghiệp TP. HCM- Bộ  Công Thương. Phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Xuân Tề- Hiệu trưởng Nhà trường về phương thức đào tạo theo tư duy giáo dục mới này.
PV: Thay đổi tư duy giáo dục là xu thế phát triển tất yếu của các trường đào tạo chuyên nghiệp hiện nay. Vậy Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM  đã thay đổi như thế nào thưa TS?
TS. Tạ Xuân Tề: một trong những vấn đề bị than phiền về đào tạo ở Việt Nam hiện nay là đào tạo không gắn với sử dụng, không gắn với nhu cầu xã hội, thường chỉ đào tạo cái mình có, chứ chưa đào tạo cái xã hội cần. Những năm qua, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện chương trình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và nhu cầu phát triển của địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã dự báo được nhu cầu lực lượng lao động xã hội, phân luồng đào tạo cho sinh viên, thay vì đào tạo theo thị hiếu thời thượng. Từ đó, đón đầu, đào tạo một số ngành kinh tế kỹ thuật mà nhà nước đang phát triển theo hướng quy hoạch chung. Chúng tôi đã nghiên cứu và theo sát quá trình xây dựng các nhà máy, các cụm công nghiệp, khu cômg nghiệp tại các địa phương, để chủ động cho việc đào tạo.
PV: TS có thể  nói cụ thể hơn về kết quả thực hiện của Nhà trường về vấn đề này?
TS. Tạ Xuân Tề: Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ với nhiều nhà công nghiệp gồm: các công ty, xí nghiệp thuộc Bộ và các thành phần kinh tế khác để mở rộng quy mô đào tạo. Nhà trường đã thành công trong việc xây dựng cơ sở đào tạo tại địa phương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Cụ thể Trường đã xây dựng cơ sở đào tạo nghề có trình độ đại học và lao động kỹ thuật bậc cao cho 6 địa phương đó là: Biên Hoà- Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tầu, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Năm học 2008- 2009, Cơ sở đào tạo tại tỉnh thái Bình, đã chiêu sinh được 3.200 học sinh ở 32 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, riêng tỉnh Thái Bình chiếm 70-80% tổng số học sinh, còn lại 20- 30% là học sinh ngoài tỉnh. Cơ sở đào tạo này được xây dựng từ năm 2006, trên diện tích 10 ha.  Số lượng  phòng học, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đảm bảo dạy nghề cho 10.000 học sinh, phục vụ nhu cầu đào tạo tập chung tại các tỉnh  phía Bắc. Tại đây, khoá đào tạo hệ Trung cấp nghề đầu tiên đã tốt nghiệp với 1.500 học sinh. Hầu hết các em đã được các nhà tuyển dụng tiếp nhận vào làm việc tại các địa phương có khu công nghiệp, cụm cômg nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất… Cơ sở dạy nghề đặt tại Quảng Ngãi đã có 6.000 học sinh đang theo học, được xây dựng năm 2007 với quy mô 40 phòng học, 30 phòng thí nghiệm và một xưởng thực hành, đội ngũ giáo viên gồm 150 người.
PV: Thưa TS, liệu cùng lúc xây dựng hàng loạt các cơ sở đào tạo nghề với quy mô lớn như vậy thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo có ổn không?
TS. Tạ Xuân Tề: Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu của địa phương, trong đó tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Ngãi là hai địa phương đã yêu cầu chúng tôi mở cơ sở đào tạo nghề cho con em học sinh của họ và các tỉnh lân cận, phục vụ nhu cầu lao động của địa phương trong vùng. Như tôi được biết, hiện nay nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở Quãng Ngãi đang phải nhập khẩu lao động của Philippin. Vậy tại sao các trường đại học Việt Nam lại không nắm bắt cơ hội này  để có thể tự đào tạo  nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước khi xã hội đang thiếu.
Chúng tôi luôn tự hào, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo nghề lớn nhất Việt Nam từ dạy nghề đến đại học và sau đại học. Chúng tôi đã có 12 năm kinh nghiệm trong đào tạo. Cơ sở chính của Trường đã được chuẩn hoá về xây dựng, trang thiết bị, hệ thống trường học gồm 350 phòng học lý thuyết, 30 xưởng thực hành, 4.000 máy tính, 2.200 đầu sách, 10.000 chỗ ở cho sinh viên. Ngoài ra hệ thống dịch vụ của Trường bao gồm: Nhà ăn, siêu thị, ngân hàng và bưu điện… Đội ngũ giáo viên có 1.500 người, mức lương trung bình đạt gần 6 triệu đồng/ người/ tháng, hơn 60% giáo viên trong Trường đạt trình độ trên đại học. Hiện nay, Nhà Trường đã có trên 100 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, hơn 600 thạc sĩ và cao học, có thể đảm nhận tốt việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các ngành học vầ bậc học. Về hệ thống quản lý, ngay từ năm 1998, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý tin học với 35 modul để quản lý khép kín từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, lập thời khoá biểu, đăng ký học phần đến quản lý sinh viên, ký túc xá, thư viện, thi cử, bảng điểm, khen thưởng, kỷ luật…Từ việc xây dựng chuẩn hoá về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, hệ thống quản lý chất lượng giáo dục đào tạo theo ISO 9001- 2000, dựa trên mô hình đã được chuẩn hoá này, chúng tôi đã nhân bản sang các cơ sở đào tạo mới. Do đó, chất lượng giáo dục- đào tạo của Trường hoàn toàn được đảm bảo. Vừa qua, tỉnh Thanh Hoá đã tha thiết mời Trường mở thêm một cơ sở đào tạo nghề để phục vụ nhu cầu lao động cho khu kinh tế Nghi Sơn. Tại đây chúng tôi sẽ đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và chuẩn bị đội ngũ giáo viên 150 người, phục vụ nhu cho 69.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm tại Thanh Hoá có nhu cầu theo học nghề. Cũng tại đây, Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án lớn như: Lọc dầu, Nhà máy nhiệt điện, Công nghiệp đóng tầu, sửa chữa tầu biển…Các dự án này rất cần lực lượng lao động có tay nghề cao.
PV: TS đánh giá thế nào về quan điểm, chất lượng đào tạo luôn tỷ lệ thuận với đầu tư?
T.S Tạ Xuân Tề: Đúng như vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục, tăng học phí và thực hiện chế độ chính sách đối với con em người có công với nước và giảm học phí cho các đối tượng là học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…, nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Những năm qua, Trường chúng tôi chưa để xảy ra tình trạng học sinh, sinh viên không được theo học vì lý do không đủ tiền đóng học phí. Chúng tôi thực hiện chính sách, lấy thu bù chi, lấy của người giầu chia cho người nghèo, lấy thành thị bù nông thôn, lấy vùng đồng bằng bù cho miền núi. Hàng năm, Nhà trường chi 4 tỷ đồng để miễn giảm học phí cho 2.000 HSSV thuộc diện chính sách,  hoàn cảnh khó khăn….
PV: Thay đổi tư duy giáo dục liệu có cần phải tính đến những yếu tố nào nữa không thưa TS?
TS. Tạ Xuân Tề: Thay vì chương trình giảng dạy theo truyền thống “thày đọc trò, chép”, chúng ta phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ chỗ người học chỉ là người tiếp nhận kiến thức thụ động, thì quan niệm học hiện nay là, người học phải được xem là  trung tâm của hoạt động đào tạo. Phương pháp giáo dục mới của chúng tôi là: Tăng tính tự chủ cho học sinh, sinh viên để người học phát triển tư duy sáng tạo một cách hiệu quả. Chủ trương trong đào tạo của chúng tôi là giảm bớt lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành. Khi áp dụng phương pháp học mới này, chúng tôi nhận được sự phản ứng tích cực của học sinh, sinh viên. Đa số học sinh, sinh viên cho rằng, việc tăng thời gian tự học và tăng học thi đã có ảnh hưởng tốt đến kết quả học tập. Năm học 2007- 2008 tại trường chúng tôi đã có trên 70% các học phần đạt kết quả cao. Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh một ý nữa là: Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, việc tăng giờ học thực hành tại các xưởng thực hành và thực tập, học tập, tham quan thực tế, tiếp cận với công nghệ hiện đại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ là các yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên. Muốn làm được điều này, các trường phải tích cực, chủ động liên doanh, liên kết với các nhà công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ.
PV: Xin cảm ơn ông!.
TCCN


1 comment:

  1. có trường nào dạy đóng học phí ít mà ra trường lại có việc làm tốt ko? trường này đóng nhiều tiền lắm

    ReplyDelete