Friday, June 24, 2011

Sự thật với nhà báo - Tuần Việt Nam


Một sự kiện nổi bật trong tuần nữa là kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21/6. Cũng ngay sáng 21/6, có một bài thơ "Sự thật với nhà báo", đăng trên Tuần Việt Nam lập tức được bạn đọc quan tâm:

1.

Khi nhà báo cúi đầu,

khúm núm...

ngòi bút run

nhân cách đê hèn

sẽ sẵn sàng bán cả lương tri

trước bạo quyền và đồng tiền nhơ nhớp,

quên dân oan

yếu thế

mong cầu

là ngoảnh mặt với nỗi đau đồng loại (*)

2.

Khi nhà báo cúi đầu,

khúm núm...

trước thông tin

sự thật phơi bày,

lừa bạn đọc

bằng chuyên môn giả trá,

bằng những trò

uốn bút,

cong môi

là đã bán tận cùng liêm, sỉ...

3.

Khi nhà báo cúi đầu,

khúm núm...

chọn lặng im

đổi bổng lộc,

chức quyền

là đích thị lưu manh ôm bút

là lọc lừa đội lốt thông tin

4.

Khi nhà báo cúi đầu,

khúm núm...

trước kẻ thù

của Tổ quốc,

Nhân dân,

đem ngòi bút

cầu phì gia,

tráo trở

là đồng hành với bán nước, quên dân

5.

Khi nhà báo cúi đầu

khúm núm...

là niềm tin

minh bạch

lụi tàn

Cả sự thật cũng cúi đầu... vĩnh biệt.



(Sài Gòn, trưa 09.10.2010)

----------------

(*) Ý của Các-Mác: Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại.

Nhưng chắc chắn những người cầm bút quan tâm nhất. Bởi đây là nói về họ, về nhân cách cầm bút của họ trước quyền lực, đồng tiền và trước nỗi đau con người. Họ sẽ chọn cái gì?

Và bởi bài thơ cũng nói một điều cốt tử nhất của nghề báo, mong đợi nhất của bạn đọc, đó là sự thật. Và chỉ sự thật mà thôi!

Nhưng sự thật cũng vô cùng đỏng đảnh và nghiệt ngã. Ai đó có câu: "Một nửa cái bánh mì là một cái bánh mì. Một nửa sự thật đã không còn là sự thật."

Sự thật, trở thành tiêu chí giản dị, mà khắc nghiệt với bản lĩnh, trí tuệ và nhân tâm nhà báo, giữa cuộc đời còn đầy bất ổn này. Nếu chỉ viết nửa sự thật, nửa kia là sự lập lờ đánh lận con đen... thì sao đây? Bạn đọc tinh tường sẽ không còn tin vào họ.


Bị chối bỏ, bị khinh khi vì giả trá, có nỗi tủi nhục nào hơn thế cho người cầm bút? Cây bút đó, có thể sắc sảo đó, dày dạn đó, mà vẫn là cây bút...mọt! Vì đằng sau họ, có thể là đồng tiền, có thể là bả danh lợi. Chỉ nỗi đau đồng loại là không tồn tại. Khi đó, không chỉ "Cả sự thật cũng cúi đầu...vĩnh biệt", mà bạn đọc cũng sẽ phải nói lời ai điếu.
Cũng khác với nhà văn có thể sống tự do bằng tác phẩm, nhà báo thường phải gắn mình với một cơ quan báo chí nhất định. Thì họ phải viết theo tư tưởng, tôn chỉ, định hướng của tờ báo đó. Nếu cứ một mình một chợ, sớm muộn họ buộc phải rời xa.

Nhưng còn một sự thật khắc nghiệt nữa: Nhà báo cũng là con người. Họ cũng phải mưu sinh, phải có trách nhiệm gia đình trước khi có trách nhiệm xã hội. Và thế là nghiễm nhiên, chọn lựa lối đi, cách sống, cách cầm bút thế nào còn tùy thuộc vào ý thức và quan niệm chân giá trị của mỗi cá nhân nhà báo. Vì thế mà có nhà báo thứ thiệt, cũng có nhà báo công chức. Có nhà báo chính luận cũng có nhà báo quảng cáo, nhà báo lá cải....

Xã hội Việt Nam lại cũng đang chuyển mình. Có những điều, "hôm nay đúng, mai đã lại sai rồi" bởi những thang giá trị cũng đã thay đổi. Người cầm bút không tỉnh táo chọn lựa rất có thể phạm luật, thậm chí bị quy kết, chụp mũ. Đó là một thực tế hiển nhiên và cay đắng mà tai nạn nghề nghiệp chẳng tha ai.

Và cái khái niệm "viết lách"- viết mà phải lách, không ở đâu lại trần trụi như nghề báo. Con đường thẳng, phải được đi bằng ...con đường vòng!

Trong khi bạn đọc ngày càng có trình độ, ngày càng đòi hỏi thông tin chính xác, bản chất vấn đề. Dễ hiểu bây giờ nhiều người không thỏa mãn với báo chí, họ quay sang tìm đọc những blog cá nhân, nơi họ cho rằng nó đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của họ. Những trang web cá nhân nổi tiếng, đa chiều, những blogger tên tuổi giờ đang trở thành một thứ quyền lực thứ 5 hấp dẫn, thách thức ngang ngửa với báo chí- vốn được coi là quyền lực thứ 4 của xã hội.

Nhà báo trước sự thật, trước trách nhiệm xã hội được bảo hiểm bằng cái gì nếu không phải bằng cái tâm?

Một cái tâm thiện trong sáng, vì lợi ích chung, hiểu biết quy luật phát triển, chắc chắn sẽ là cái ô che chở tốt nhất cho họ viết về sự thật- "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Dĩ nhiên, để viết về sự thật truyền cảm đến bạn đọc, cái tâm nhà báo chỉ có thể thể hiện bằng câu chữ chân thành, bằng chính nỗi đau của họ trước nỗi đau con người.

Bỗng nhớ tới một người đã "dạy" tôi về nghề báo. Ông tên là Diễm, nguyên Trưởng Ty GD Tây Ninh (nay đã mất), là cán bộ ở R. Năm 1977, tôi theo ông về Tây Ninh công tác, giữa lúc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trước lúc tôi trở về TP, chợt ông hỏi: "Cô có mấy năm trong nghề rồi?". Hoảng quá, mình có gì thất thố chăng: "Dạ, 4 năm ạ". "Làm nhà báo là phải thế. Phải đi với nhân dân!". Câu nói nhẹ nhàng, mà như một hành trang thật nặng nhọc ám ảnh...

Lại nhớ tới câu của nhà thơ Ngô Minh: "Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác".

Vâng, đã đi với nhân dân, viết không thể khác!

Nhưng cái "không thể khác" đó, với nhà báo nhiều lúc cay cực làm sao?

Chỉ để sự thật không bao giờ phải cúi đầu...vĩnh biệt!

Nguồn:
1. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-21-su-that-voi-nha-bao
2. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-23-pn-and-hd-hoa-va-phuc-vinasach-va-cay-but-truoc-su-that-

1 comment: